VIỆT NAM

Việt Nam tiếp tục là điểm đến nhiều hứa hẹn của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong năm 2023

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:52 20-06-2023

[Ảnh=Getty Images Bank]


[Bài viết này do Ban biên tập Thông tấn xã Việt Nam đóng góp. Thông tấn xã Việt Nam (VNA) là hãng thông tấn nhà nước điều hành hơn 30 văn phòng trên toàn thế giới. TTXVN là đối tác truyền thông của Kinh Tế AJU.]

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Hàn Quốc ở ASEAN. Ngược lại, Hàn Quốc cũng là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thứ nhất về đầu tư và thứ hai về hợp tác phát triển, thương mại, du lịch.

Tính đến hết năm 2022, Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam với hơn 370 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD. Kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 66,65 tỷ USD (2019), 65 tỷ USD (2020), 78 tỷ USD (2021), gần 87 tỷ (2022). Với quan hệ hai nước được nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện mới đây, con số này kì vọng đạt 100 tỷ năm nay và hướng tới mức 150 tỷ vào năm 2030.

Với nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, Việt Nam được đánh giá giữ vai trò vô cùng quan trọng trong “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc. Lợi thế về tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất Đông Nam Á, có nguồn tài nguyên phong phú, lao động trình độ tay nghề cao và cơ cấu dân số vàng, Chính phủ Hàn Quốc đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ phát triển ổn định nhất khu vực và mong muốn được hợp tác sâu rộng hơn nữa với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực thế mạnh của Hàn Quốc. Mới đây nhất, tại Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 2 được tổ chức tại Hà Nội (3/2023), Hàn Quốc và Việt Nam đã trao đổi và đạt được thỏa thuận về nhiều nội dung hợp tác quan trọng trong 5 lĩnh vực thương mại; năng lượng và xây dựng hạ tầng; hợp tác phát triển; công nghệ thông tin - truyền thông, khởi nghiệp và đầu tư; y tế và lao động. 

Thực tế, hai bên đã triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP). Các cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế tương đối đa dạng, bao gồm cả hợp tác đa ngành và hợp tác trong từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể, ở nhiều cấp khác nhau thuận lợi và hiệu quả. Việt Nam có lợi thế xuất khẩu các loại hàng hóa như nông, thủy sản, hải sản, trái cây theo mùa vụ vào thị trường Hàn Quốc. Trong khi đó, Việt Nam nhập chủ yếu các sản phẩm điện tử, công nghiệp và nguyên liệu từ Hàn Quốc.

Hiện, Hàn Quốc có khoảng 8.000 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó có thể kể tên nhiều tập đoàn, ngân hàng và tổ chức tài chính, nhà đầu tư hàng đầu như Samsung Electronics, Lotte, Hyosung, LG, Hyundai Motor, CJ, Daewoo E&C, GS E&C, Doosan, Ngân hàng KDB…với quy mô đầu tư hàng chục tỷ USD. Các doanh nghiệp Hàn Quốc có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, tạo công ăn việc làm, kéo theo hiện đại hóa cơ sở hạ tầng tại các địa phương.

Theo ước tính, các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, riêng Samsung đã chiếm khoảng 1/5 giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với con số hàng chục tỷ USD/năm.  Các nhà đầu tư Hàn Quốc tập trung đầu tư nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản; tiếp theo là lĩnh vực xây dựng.

Môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt Nam tiếp tục thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư ở các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường; phát triển năng lượng sạch; tài chính; nông nghiệp…tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai, Thái Nguyên, Tp Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Nhà nước và Chính phủ cùng các các cơ quan hữu quan Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư và mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam thời gian tới đặc biệt vào các lĩnh vực công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam khá ổn định, pháp luật ngày càng chặt chẽ hơn và có nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để thu hút nhiều dự án lớn có hàm lượng giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao của nhà đầu tư Hàn Quốc, chính phủ Việt Nam cần có lợi thế so sánh tốt hơn nữa trên khía cạnh chính sách hỗ trợ, vấn đề pháp lý, chế độ ưu đãi. Do đó, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ bước vào thời kỳ mới với sự bùng nổ của những dự án trong phát triển chuỗi cung ứng, công nghệ cao.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기