Đời sống Xã hội

Hàn Quốc sắp ra mắt thẻ 'K-Pass'…Giúp tiết kiệm tối đa 30% chi phí di chuyển bằng giao thông công cộng

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:57 23-08-2023
Hàn Quốc dự kiến sẽ cho ra mắt thẻ 'K-Pass', thẻ tích hợp giữa tàu điện ngầm và xe buýt, từ tháng 7/2024. Với loại thẻ mới này, người dùng có thể tiết kiệm được tối đa 30% phí giao thông khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
Theo tin tức từ Ủy ban Giao thông Khu vực Đô thị thuộc Bộ Đất đai Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc (MOLIT) vào ngày 23, thẻ 'K-Pass' sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 7 năm sau thay thế cho 'thẻ giao thông tiết kiệm (Altteul Transport Card)'.

'Thẻ giao thông tiết kiệm' hiện tại (ra mắt vào năm 2019, dưới thời chính quyền Tổng thống Moon Jae-in) cung cấp cho người dùng điểm thưởng (mileage) tương ứng với quãng đường người dùng đi bộ hoặc đạp xe (phạm vi trả thưởng giới hạn trong tối đa 800m) trước khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Bên cạnh đó, các công ty thẻ tín dụng tư nhân cũng sẽ giảm thêm khoảng 10% phí vận chuyển.

Để nhận được những lợi ích của 'thẻ giao thông tiết kiệm', người dùng phải sử dụng một ứng dụng chuyên dụng. Điều này trở thành một điểm hạn chế đối với người dùng cao tuổi và tầng lớp yếu thế trong xã hội.

Một số người cũng chỉ ra rằng nếu thông tin về điểm khởi hành và điểm kết thúc không được nhập vào ứng dụng hoặc khoảng cách di chuyển không được xác nhận thì người dùng chỉ có thể tích lũy số điểm thưởng tối thiểu (50 won, khoảng 900 VNĐ).

Park Dae-chul, Chủ tịch Ủy ban Chính sách của Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP), cho biết "Việc xác nhận xem người dùng có thật sự đi bộ hay đạp xe hay không trong dự án 'thẻ giao thông tiết kiệm' của chính phủ trước đây, là rất khó. Thêm vào đó, do cơ cấu thanh toán khá phức tạp nên việc sử dụng loại thẻ này đối với người dùng thuộc nhóm dễ bị tổn thương và người cao tuổi còn thấp".

Theo đó, đảng cầm quyền (PPP) và chính phủ quyết định duy trì hoạt động của dự án 'thẻ giao thông tiết kiệm' cho đến nửa đầu năm sau, sau đó sẽ chuyển sang hệ thống K-Pass trong nửa cuối năm".

Đặc điểm của 'K-Pass' là chỉ cần hành khách di chuyển bằng phương tiện công cộng 21 lần trở (giới hạn tối đa 60 lần/tháng), thì có thể nhận được số điểm thưởng tương đương 20 % số tiền chi trả. Tỷ lệ hoàn trả là 30% đối với tầng lớp thanh niên và 53,3% đối với tầng lớp thu nhập thấp. Số tiền hoàn trả sẽ do chính phủ và chính quyền địa phương mỗi bên chịu một nửa.

Hiện tại 1 lượt sử dụng xe buýt là 1.500 won (khoảng 27.000 VNĐ), nếu lấy tiêu chuẩn là 60 lượt sử dụng trong 1 tháng thì số điểm thưởng có thể tích lũy trong 1 năm sẽ là 216.000 won (khoảng 3,9 triệu VNĐ). Đối với thanh niên và nhóm thu nhập thấp, số tiền hoàn trả sẽ còn cao hơn, cụ thể trong 1 năm nhóm khách hàng thanh niên có thể nhận lại được 324.000 won (khoảng 5,8 triệu VNĐ) còn nhóm khách hàng thuộc đối tượng thu nhập thấp sẽ nhận lại được 576.000 won (khoảng 10,3 triệu VNĐ).

Ngoài khoản điểm thưởng được hoàn trả từ 'K-Pass', người dùng cũng có thể được hưởng thêm khoản giảm giá do các công ty thẻ tín dụng tư nhân cung cấp, tức là khoảng 10% phí vận chuyển. 

Theo đó, người dùng có thể tiết kiệm tối đa khoảng 30% chi phí đi lại mỗi tháng (khoảng 40% đối với nhóm thanh niên và khoảng 63,3% đối với nhóm thu nhập thấp).

Một quan chức của Bộ Đất đai Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải cũng cho biết "Những người đang sử dụng 'thẻ giao thông tiết kiệm (Altteul Transport Card)' có thể tiếp tục sử dụng thẻ cũ mà không cần đăng ký làm thẻ K-Pass mới. Các thông tin chi tiết về hoạt động kinh doanh sẽ được thông báo trong thời gian tới, ngay khi các thủ tục tiếp theo được hoàn tất".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기