VIỆT NAM

​Hôm nay khai mạc Kỳ họp mang tính lịch sử - Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

Minh Tân (mintyni@ajunews.com)10:42 22-10-2018

[Ảnh=Yonhap News/AP] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam.

Sáng nay 22 tháng 10, tại Thủ đô Hà Nội, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội. Dự kiến sẽ có 15 phiên họp được phát thanh, truyền hình Việt Nam trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 31,25% thời lượng của kỳ họp). Đây là kỳ họp có tỷ lệ số phiên họp được tường thuật trực tiếp nhiều nhất do sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam.

Ngay trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội nhân sự để bầu Chủ tịch nước. Hiện, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ chức quyền Chủ tịch nước, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

Đây là lần đầu tiên, Tổng Bí thư được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân sự duy nhất được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Theo dự kiến, việc bầu và công bố kết quả kiểm phiếu diễn ra trong ngày 23 tháng 10. Tân Chủ tịch nước dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào chiều ngày mai. Việc bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp sẽ giúp thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền.

Đến chiều ngày 24 tháng 10, Quốc hội sẽ tiến hành các bước để lấy phiếu tín nhiệm 48 người. Các lãnh đạo đảm nhiệm chức danh được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Phó chủ tịch nước; Chủ tịch, 4 phó chủ tịch Quốc hội; 12 chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội; Thủ tướng, 5 phó thủ tướng, 20 bộ trưởng; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Riêng Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới được Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp lần này nên chưa đủ thời gian để lấy phiếu tín nhiệm. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, nếu có đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông thì Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ trả lời thay.

Trong kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao của đất nước.

Bên cạnh đó, về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Cụ thể, các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기