Đời sống Xã hội

Những người trẻ Hàn Quốc trong độ tuổi 20 và nỗi lo trở thành 'thế hệ bị đánh mất'

황프엉리 (lyhoang215@ajunews.com)16:56 14-01-2021
Tình trạng đóng băng của thị trường tuyển dụng kéo dài hơn do ảnh hưởng của Covid19 Số lượng các trường hợp xin việc bị hoãn hoặc hủy bỏ tăng đột biến
Khi cơ hội việc làm cho thanh niên ngày càng ít đi do tác động tiêu cực của Covid19, ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại rằng giới trẻ Hàn Quốc có khả năng sẽ trở thành một 'thế hệ bị đánh mất'.

Nếu thị trường việc làm cho những người trẻ, những người sẽ mang tương lai của đất nước, bị đóng băng kéo dài, họ sẽ mất đi cơ hội để có được những kỹ năng, kiến ​​thức và kinh nghiệm thông qua việc làm, điều này sẽ gây khó khăn trực tiếp cho cuộc sống của họ và gián tiếp khiến họ trở thành gánh nặng cho đất nước.

Theo đó, ngày càng có nhiều tiếng nói thừa nhận hiện trạng khó khăn trong xin việc của giới trẻ là một vấn đề cần được chính phủ quan tâm cũng như các biện pháp để giải quyết vấn đề việc làm cho thanh niên cần được xem xét một cách toàn diện.
 

Người dân đang xếp hàng chờ để được vào buổi họp báo cáo về trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Phúc lợi Việc làm phía Tây Seoul ở Mapo-gu, Seoul vào ngày 13. [Ảnh=Yonhap News]


◆ Thanh niên trong độ tuổi 20 là người chịu thiệt thòi lớn nhất vì rào cản trong công cuộc tìm kiếm việc làm do ảnh hưởng của Covid19

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia vào ngày 14, tỷ lệ thất nghiệp hàng năm của thanh niên (từ 15 đến 29 tuổi) năm ngoái là 9,0%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ thất nghiệp chung (4,0%), tuy nhiên vẫn không quá nghiêm trọng khi chỉ tăng 0,1 điểm phần trăm so với năm trước.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp theo cảm nhận thực tế (là tỷ lệ thất nghiệp được cảm nhận đối với thanh niên, bao gồm những người có tiềm năng tìm được việc, những người đang đi xin việc và các ứng viên làm việc bán thời gian có tiềm năng tìm được việc) là 26% vào tháng 12 năm ngoái, cao hơn 5,2 điểm phần trăm so với cùng tháng năm ngoái và cao hơn 11,4% so với tỷ lệ thất nghiệp mở rộng trung bình cho tất cả các nhóm tuổi (14,6%).

Tính đến cuối năm ngoái, tổng số thanh niên trong tình trạng thất nghiệp kéo dài là 1.223.000 người, tăng 213.000 người so với tháng 12 trước đó (1.001.000 người).

Đặc biệt, với tình hình đại dịch Covid19 như hiện nay thì những người ở độ tuổi đôi mươi sẽ là đối tượng nhận cú sốc nặng nhất. Năm ngoái, tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế của nhóm thanh niên là 46,4%, giảm 1,4 điểm phần trăm so với năm trước, nhưng ở nhóm 20-29 tuổi giảm 2,7 điểm phần trăm so với năm trước và nhóm 25-29 tuổi giảm 3,0 điểm phần trăm. Con số này cao hơn khoảng ba lần so với những người ở độ tuổi 30 (-0,6 điểm phần trăm), độ tuổi 40 (-1,1 điểm phần trăm) và độ tuổi 50 (-0,8 điểm phần trăm). Dân số hoạt động kinh tế là tổng số những người lao động thất nghiệp đã thực sự có việc làm và đang làm việc và những người thất nghiệp sẵn sàng làm việc và tìm kiếm việc làm nhưng không tìm được việc làm. Khi số người mất động lực làm việc do điều kiện việc làm xấu đi hoặc tạm thời bỏ các hoạt động tìm việc tăng lên, thì tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế chắc chắn sẽ giảm.

Trong số dân số không hoạt động kinh tế, có 415.000 người ở độ tuổi 20, tăng 25,2% (84.000) so với năm trước, cao hơn so với mức 18,8% ở độ tuổi 30 và 23,4% ở độ tuổi 40. Dân số 'nghỉ làm' (không hoạt động kinh tế) ở độ tuổi 20 đã tăng thêm 132.000 người chỉ sau 2 năm nếu so với mức 283.000 người vào năm 2018.

Có nhiều lý do để 'nghỉ làm' chẳng hạn như chăm sóc con cái, nội trợ, đi học nhưng thật khó hiểu khi số người 'nghỉ làm' lại tăng vọt ở nhóm những người trẻ tuổi lại tăng vọt chỉ vì những lý do này. Điều này có thể được giải thích rằng bản thân hoạt động tìm việc đã bị đình trệ do môi trường làm việc không tốt.

◆ Lo ngại về hiện tượng 'Thế hệ bị đánh mất' giống như Nhật Bản

Những khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm của giới trẻ ở độ tuổi 20, bao gồm cả những người mới tốt nghiệp trung học hoặc đại học ngày càng trở nên nghiêm trọng có thể khiến nhóm người này trở thành 'thế hệ bị đánh mất', một hiện tượng mà Nhật Bản đã từng trải qua trong quá khứ.

Ở Nhật Bản, những người trẻ tuổi đã phải chịu những khó khăn nghiêm trọng về việc làm trong 10 năm kể từ đầu những năm 1990, khi bong bóng bất động sản và thị trường chứng khoán vỡ tung. Họ rơi vào cảnh những người lao động không thường xuyên được trả lương thấp mà không tìm được việc làm đàng hoàng, hoặc thất nghiệp một thời gian dài, và vẫn là gánh nặng cho xã hội Nhật Bản cho đến tận ngày nay.

Young-moo Cho, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế LG, cho biết "Nếu tình trạng đóng băng của thị trường tuyển dụng kéo dài, rất có thể giới trẻ Hàn Quốc thuộc giai đoạn này sẽ trở thành thế hệ bị đánh mất giống hiện tượng đã từng xảy ra ở Nhật Bản. Khi nhóm người trẻ tuổi này lớn lên mà không tích lũy được kỹ năng, kiến ​​thức và kinh nghiệm, khả năng cạnh tranh của họ sẽ giảm sút, và họ sẽ chỉ có thể tìm kiếm những công việc có mức lương thấp hoặc môi trường làm việc không tốt hoặc thậm chí là rơi vào tình trạng thất nghiệp thường xuyên. Và rồi tất cả những điều này rồi sẽ trở thành vết sẹo theo họ suốt cuộc đời."

Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) ước tính vào tháng 5 năm ngoái trong báo cáo về tình trạng việc làm của thanh niên và các khuyến nghị chính sách, nếu việc làm đầu tiên trễ hơn một năm, tiền lương sẽ giảm trung bình 4-8% mỗi năm trong 10 năm tới so với người lao động cùng tuổi.

Trong báo cáo vào thời điểm đó, Joseph Han, thành viên nghiên cứu của KDI cho biết, "Tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng ngoại hối hoặc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với việc làm của thanh niên đã kéo dài hơn 10 năm và sẽ không biến mất trong suốt cuộc đời."

Sung Tae-yoon, giáo sư kinh tế tại Đại học Yonsei, cho biết “Các công ty khó có thể tăng việc làm do chi phí lao động tăng và sự cứng nhắc của lao động do những thay đổi về thể chế trong vài năm qua, vì vậy chúng ta cần phải linh hoạt cải thiện vấn đề này. Các khoản đầu tư tài chính cũng cần được tập trung vào các chương trình giáo dục và đào tạo phù hợp với quá trình chuyển đổi công nghiệp sang công nghệ mới."

Nghiên cứu viên Cho của Viện Nghiên cứu Kinh tế LG cho biết, “Tôi biết các nhà chức trách chính sách đang cố gắng tăng việc làm ngắn hạn cho thanh niên, tuy nhiên, bên cạnh đó điều quan trọng nhất là những người trẻ tuổi phải cố gắng tích lũy kinh nghiệm làm việc để có thể ghi vào lý lịch của mình khi có cơ hội việc làm."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기