Đời sống Xã hội

Hành trình 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)23:15 22-12-2022
Ngày 22/12/2022 là kỷ niệm tròn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022).

 

Tổng thống Yoon Suk-yeol đang nâng cốc chúc mừng Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại quốc yến chiêu đãi được tổ chức ở Nhà Xanh vào ngày tối ngày 5/12/2022. [Ảnh=Văn phòng Tổng thống]


Trong 30 năm qua, cách gọi tên giữa hai quốc gia đã thay đổi từ "Nam Triều Tiên (남조선)" thành "Hàn Quốc (한국)" và từ "Wolnam (월남: phát âm dựa theo từ Hán Hàn)" thành "Việt Nam (베트남: phát âm theo từ thuần Hàn)". Sự thay đổi tên gọi này thể hiện rõ những bước tiến trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong hơn 30 năm qua.

Trước khi Việt Nam thống nhất, Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với miền Nam Việt Nam vào năm 1956, nhưng quan hệ ngoại giao đã bị cắt đứt khi chính quyền miền Nam Việt Nam sụp đổ vào năm 1975 khi miền Bắc Việt Nam thống nhất đất nước. Sau đó là sự tiếp diễn của Chiến tranh lạnh khiến các cơ hội trao đổi giữa Hàn Quốc và Việt Nam bị chặn lại.

Bước vào những năm 1990, cánh cửa giao lưu đã mở lại. Vào cuối những năm 80, chính quyền Tổng thống Roh Tae-woo đã thúc đẩy "chính sách hướng Bắc" và bắt đầu các hoạt động giao lưu với các nước cộng sản như Trung Quốc và một số nước Đông Âu. Việt Nam cũng bắt đầu cải cách và mở cửa vào năm 1986 với chính sách 'Đổi Mới'. Ngày 2 tháng 4 năm 1992, hai nước ký biên bản ghi nhớ về việc thành lập văn phòng liên lạc chung; ngày 22 tháng 12 cùng năm, Đại sứ quán Việt Nam và Đại sứ quán Hàn Quốc lần lượt được mở tại Seoul và Hà Nội.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Lee Sang-ok ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (Hà Nội, 22/12/1992). [Ảnh=TTXVN]


Vào thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao, tại Việt Nam cũng có nhiều dư luận phản đối liên quan đến vấn đề quân đội Hàn Quốc đã tham chiến trong chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu kinh tế và công nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, 17 năm sau khi Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Hàn Quốc muốn lực lượng lao động của Việt Nam còn Việt Nam thì mong muốn đầu tư của Hàn Quốc.

Hợp tác kinh tế giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng trong hơn 30 năm qua. Khối lượng giao dịch chỉ là 500 triệu đô la vào năm 1992, đã tăng khoảng 161 lần lên 80,7 tỷ đô la vào năm 2021. Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, là quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất vào Việt Nam. Hiện có khoảng 9.000 công ty Hàn Quốc đã và đang hoạt động tại Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc và dự kiến có thể vượt Nhật bản và trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc trong năm nay.

Hai nước cũng đạt được sự tăng trưởng đáng kể về giao lưu nhân dân. Năm 1991, trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao, chỉ có 2 người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc và 439 người Việt Nam đã nhập cảnh vào Hàn Quốc trong cùng năm. Hiện có hơn 200.000 người Việt Nam sinh sống tại Hàn Quốc. Trong số những người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc, số lượng người Việt Nam xếp ở vị trí thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. Vì nhiều gia đình đa văn hóa được hình thành thông qua việc di cư kết hôn của phụ nữ Việt Nam nên mối quan hệ hai nước thường được ví von là mối quan hệ "thông gia".

 

Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc với thông điệp “Kết nối cộng đồng – Tôn vinh văn hóa Việt – Giao lưu văn hóa Hàn - Việt” được tổ chức thường niên tại Seoul. [Ảnh=TTXVN]


Ở Việt Nam hiện cũng có khoảng 150.000 người Hàn Quốc đang sinh sống. Việt Nam là quốc gia có số lượng người Hàn Quốc sinh sống ở nước ngoài lớn thứ 8, sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách Hàn Quốc du lịch đến Việt Nam đạt 4,3 triệu người.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc và Việt Nam đang cùng nhau hướng tới một tương lai phát triển gắn bó, khăng khít hơn. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Seoul vào ngày 5/12 và thống nhất thông qua "Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc về quan hệ 'Đối tác chiến lược toàn diện'".

Việc nâng cấp lên quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" được coi là một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc sau khi trải qua 30 năm với 2 lần nâng cấp quan hệ trước đó là "Đối tác toàn diện thế kỷ 21" (2001) và "Đối tác hợp tác chiến lược" (2009).

Chuyên gia về chính trị Việt Nam Lee Han-woo, giáo sư tại Đại học Sogang, cho biết "Đối tác chiến lược và toàn diện là mối quan hệ ngoại giao song phương cao nhất ở Việt Nam. Hàn Quốc là quốc gia thứ tư Việt Nam thiết lập mối quan hệ này, sau Trung Quốc, Nga và Ấn Độ."

Về phía Hàn Quốc, cấp độ cao hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện chỉ có quan hệ "đồng minh" (Mỹ). 

Giáo sư Lee cũng giải thích thêm "Nếu như trước đây trọng tâm hợp tác song phương là kinh tế thì nay sẽ được đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực bao gồm cả văn hóa và an ninh, trong đó Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc."

 

Thể thao Việt Nam đạt nhiều thành tích quan trọng với dấu ấn của những HLV Hàn Quốc, tiêu biểu là bóng đá nam gắn với tên tuổi HLV Park Hang-seo. [Ảnh=TTXVN]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기