Đời sống Xã hội

Setopia ký hợp đồng liên doanh thiết lập chuỗi cung ứng với Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)07:56 25-04-2023
Setopia đã thông báo vào ngày 8 về việc đã ký hợp đồng thành lập liên doanh với Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE), một công ty sản xuất hợp chất đất hiếm tại Việt Nam, để thành lập một liên doanh (joint venture) tại Hàn Quốc nhằm mục đích thiết lập chuỗi cung ứng độc quyền oxit đất hiếm.

 

(Từ trái sang) Seo Sang-cheol CEO của Setopia và Lưu Anh Tuấn CEO của VTRE chụp ảnh kỷ niệm sau khi ký kết hợp tác. [Ảnh=Setopia]

Một quan chức của Setopia giải thích: "Chúng tôi đã đồng ý thành lập một liên doanh tại Chungcheongbuk-do, khu vực đang hỗ trợ tích cực và toàn diện cho chuỗi giá trị đất hiếm trong nước."

Hợp đồng được ký kết lần này bao gồm nội dung về việc việc thành lập một liên doanh giữa Setopia và VTRE, trong đó VTRE sẽ nhận oxit đất hiếm từ 2 mỏ quốc doanh được cấp phép khai thác còn Setopia sẽ thành lập một công ty liên doanh tại Hàn Quốc và cung cấp độc quyền các chất oxit đất hiếm cho công ty liên doanh.

Công ty liên doanh này có thể nhận tới 1.500 tấn oxit đất hiếm từ VTRE, có thể sản xuất khoảng 3.500 đến 4.000 tấn hợp kim nam châm vĩnh cửu đất hiếm và vật liệu nam châm vĩnh cửu. Hiện tại, đối với nam châm neodymium, loại nam châm vĩnh cửu đất hiếm phổ biến nhất trên thị trường hiện nay, giá giao dịch hiện tại là 191.000 đô la (khoảng 3,7 tỷ VNĐ) cho mỗi tấn.

Dự kiến các oxit đất hiếm thu được sẽ được xử lý thành kim loại hoặc hợp kim nam châm vĩnh cửu và bán cho người mua trong và ngoài nước. Nam châm vĩnh cửu sử dụng các nguyên tố đất hiếm là thành phần thiết yếu cho các sản phẩm điện tử, ô tô điện và tua-bin gió.

Theo một báo cáo về đất hiếm do Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc công bố, 93% động cơ đồng bộ nam châm vĩnh cửu (Permanent magnet synchronous motors·PMSM) cho xe điện trên toàn thế giới đã sử dụng nam châm vĩnh cửu đất hiếm. Được biết, 1 chiếc xe điện cần hơn 10kg nam châm vĩnh cửu cho các bộ phận như động cơ, các cảm biến khác nhau.

Một quan chức của Setopia cho biết: "Trong tương lai, chúng tôi sẽ xây dựng một nhà máy lọc và tách thứ cấp tại Chungcheongbuk-do (Hàn Quốc) sau khi đánh giá điều kiện môi trường. Dựa trên cơ sở này, chúng tôi sẽ đảm bảo thêm các cơ sở sản xuất như nhà máy kim loại và hoàn thành chuỗi giá trị của ngành công nghiệp liên quan đến đất hiếm lớn nhất Hàn Quốc."

VTRE là công ty có công nghệ luyện đất hiếm đặt tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Việt Nam, được biết đến là đơn vị có mỏ đất hiếm hấp thụ ion dễ khai thác. Trước đó, vào tháng 12/2022 VTRE đã ký thỏa thuận kinh doanh với Công ty TNHH Kim loại ASM & KSM và chính quyền tỉnh Chungcheongbuk-do để thiết lập chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.

Quan chức của Setopia cho biết "Chúng tôi rất vui mừng khi là doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tiên có thể thiết lập chuỗi cung ứng ổn định oxit đất hiếm của Việt Nam. Hiện nay, hầu hết nam châm vĩnh cửu đất hiếm được sử dụng trên thế giới đều phụ thuộc vào nhập khẩu thành phẩm từ Trung Quốc, nhưng thông qua ký kết lần này, chúng tôi đang tiến một bước gần hơn đến mục tiêu thoát khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực vật liệu đất hiếm, một yếu tố cần thiết cho ngành công nghiệp tương lai."

Mặt khác, tổng lượng đất hiếm trên thế giới ước tính khoảng 120 triệu tấn. Trong đó phân bố chủ yếu ở Trung Quốc (36,7%), Việt Nam (18,3%), Brazil (17,5%) và Nga (10%). Vào năm 2021, khi sắc lệnh hành pháp về chuỗi cung ứng của chính quyền Biden (Mỹ) được ban hành và việc nhập khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã bị cấm, do đó các doanh nghiệp toàn cầu đang nỗ lực tìm kiếm các phương pháp nhằm giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기