Kinh tế Chính trị

Chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk-yeol được kỳ vọng sẽ mở ra con đường xuất khẩu cho ngành quốc phòng Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:53 20-06-2023
Với việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cùng với phái đoàn kinh tế quy mô lớn 205 người sẽ có chuyến thăm tới Việt Nam vào ngày 22, sự chú ý đang tập trung vào việc liệu các công ty quốc phòng Hàn Quốc có thể mở rộng lãnh thổ của mình sang Việt Nam hay không.

 

Pháo tự hành K9 tại khu vực biên giới ở Paju, Gyeonggi-do (Hàn Quốc). [Ảnh=Yonhap News]

Giới phân tích của Hàn Quốc cho rằng phần lớn vũ khí mà Việt Nam đang sử dụng là của Nga, tuy nhiên khả năng Việt Nam nhập khẩu vũ khí Hàn Quốc đang tăng lên do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Ví dụ như pháo tự hành K9 của Hanwha Aerospace hiện đang được chính phủ Việt Nam khá quan tâm.

Truyền thông Hàn Quốc như Hankyung, Money Today trích dẫn tin tức từ ngành công nghiệp quốc phòng cho hay CEO của các công ty quốc phòng lớn của Hàn Quốc (bao gồm Phó Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Dong-kwan, Chủ tịch Hanwha Aerospace Shin Hyun-woo và Chủ tịch Korea Aerospace Industries (KAI) Kang Gu-young) sẽ đều có mặt trong phái đoàn tháp tùng chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk-yeol tới Việt Nam vào ngày 22~24/6 sắp tới.

Giới công nghiệp quốc phòng phân tích, với chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Yoon, khả năng xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam của các công ty quốc phòng trong nước đã tăng lên. Truyền thông Hàn Quốc nhận định chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy hiện đại hóa quân đội bằng cách bơm ngân sách khoảng 2 tỷ đô la (tương đương 2,5616 nghìn tỷ KRW) trong vòng 5~7 năm tới.

Việc Việt Nam giảm nhập khẩu vũ khí của Nga cũng được đánh giá là một tín hiệu tích cực đối với Hàn Quốc.

Theo quan sát của truyền thông Hàn Quốc, Việt Nam tương đối phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực vũ khí với hơn 70% vũ khí được nhập từ quốc gia này. Tuy nhiên sau khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ và các nước thành viên NATO đang cấm vận Nga khiến cho khối lượng vũ khí nhập khẩu từ Nga sang Việt Nam có dấu hiệu giảm đi.

Theo bảng xếp hạng các nhà xuất khẩu vũ khí do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm tổng hợp, trong vòng 5 năm qua tỷ trọng xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm mạnh từ 22% xuống 16%.

Ngược lại, Hàn Quốc đang nổi lên như một nhà cung cấp mới khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vào năm 2017. Cuối năm ngoái (2022), Chủ tịch nước Việt Nam khi đó là Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp hội đàm với Tổng thống Yoon trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc và thảo luận về việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Yang Wook, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, cho biết: "Có thể thấy chính phủ Việt Nam cũng có nhu cầu chuyển đổi sang hệ thống vũ khí mới, vì vậy có khả năng vũ khí của Hàn Quốc sẽ được xuất khẩu sang Việt Nam".

Trong trường hợp của công ty hàng không và quốc phòng KAI, công ty này đang mong muốn thâm nhập thị trường máy bay trực thăng tại Việt Nam, trong đó Surion (KUH-1) được coi là sản phẩm quốc phòng có khả năng xuất khẩu cao nhất.

Hiện Chính phủ Việt Nam đang tiến hành dự án thay thế các loại trực thăng quân sự đã già cỗi. Nếu được xuất khẩu, đây sẽ là trường hợp xuất khẩu trực thăng nội địa Hàn Quốc đầu tiên. KAI đã xuất khẩu FA-50 sang Ba Lan và Malaysia, nhưng vẫn chưa có lịch sử xuất khẩu Surion.

Một quan chức của KAI cho biết, "Surion có thành tích hoạt động ổn định với 200 máy bay trực thăng quân sự và nhà nước tại Hàn Quốc, vì vậy các khách hàng nước ngoài đang ngày càng quan tâm đến nó. Dựa trên độ tin cậy cấp quốc gia có được qua chuyến thăm của Tổng thống Yoon lần này, chúng tôi sẽ nỗ lực thâm nhập thị trường trực thăng Việt Nam".

KAI được cho là đã nắm bắt nhu cầu về máy bay trực thăng của Việt Nam từ đầu năm nay và bắt đầu đàm phán ngầm. Một quan chức của KAI trả lời phỏng vấn với trang 'sisajournal' rằng "Hiện tại chúng tôi đang trong giai đoạn xúc tiến hợp đồng xuất khẩu Surion. Tôi không thể tiết lộ đó là quốc gia nào, nhưng sẽ sớm có tin tốt ở khu vực châu Á".

Nhiều ý kiến cũng phân tích rằng khả năng xuất khẩu cho pháo tự hành K9 là rất cao, được coi là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc. Phó Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Dong-kwan cũng kiêm nhiệm Giám đốc điều hành bộ phận chiến lược của Hanwha Aerospace và đang trực tiếp chỉ đạo việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài nên dự kiến ​​thông qua chuyến thăm Việt Nam lần này, Phó Chủ tịch Kim sẽ tập trung mở rộng lãnh thổ xuất khẩu pháo tự hành K9 từ Đông Âu sang châu Á.

Được biết, Việt Nam cũng rất quan tâm đến việc đưa vào sử dụng pháo tự hành K9. Hồi tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã đến thăm Hàn Quốc và thị sát dàn pháo tự hành K9 của Hanwha Aerospace triển khai chiến đấu.

Hanwha Aerospace được đánh giá có năng lực đáp ứng tích cực thị trường Việt Nam như có cơ sở sản xuất linh kiện động cơ máy bay tại Hà Nội, Việt Nam, cũng như có lịch sử xuất khẩu xe bọc thép sang Việt Nam vào năm 2015.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기