Đời sống Xã hội

Sau 30 năm nữa Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia có tình trạng già hóa dân số cao nhất thế giới

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:24 03-09-2024
Có nhiều lo ngại cho rằng Hàn Quốc sẽ sớm trở thành quốc gia có ​​dân số già đi nhanh nhất thế giới dẫn đến hậu quả là những hiện tượng xã hội chưa từng có sẽ xảy ra.
 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
Lee Sang-rim, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Dân số của Đại học Quốc gia Seoul, đã đưa ra dự đoán này trong diễn đàn dân số Hàn Quốc-Nhật Bản-Trung Quốc đầu tiên về "Nhận thức xã hội năm 2030 và chính sách tỷ lệ sinh thấp" do Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc và Viện Phát triển Nhân lực Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc tổ chức vào ngày 3.

Nhà nghiên cứu Lee cho biết: "Trong vòng 30 năm nữa, tình trạng già hóa dân số của Hàn Quốc sẽ đạt mức cao nhất thế giới. Già hóa nhanh chóng sẽ tạo ra những hậu quả chưa từng có trên toàn xã hội trong tương lai gần".

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc, tổng tỷ suất sinh, tức số con trung bình mà một phụ nữ Hàn Quốc dự kiến ​​sinh trong đời, là 0,72 vào năm 2023; giảm 0,06 người so với năm trước đó (0,78 người), ghi nhận mức thấp kỷ lục.

Theo đó, chính phủ Hàn Quốc đã cải thiện kế hoạch cơ bản về tỷ lệ sinh thấp và xã hội già hóa từ tập trung vào mang thai, sinh con và sức khỏe bà mẹ và trẻ em sang tập trung vào giới (vai trò giới tính), lao động, nhà ở và giáo dục.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Lee chỉ ra rằng: "Chính sách này vẫn chủ yếu được xây dựng xoay quanh các dự án hỗ trợ dịch vụ phúc lợi của chính phủ. Chỉ các dự án hướng tới dịch vụ và hỗ trợ tiền mặt mới được liệt kê, và nguyên nhân tỷ lệ sinh thấp vẫn chỉ được coi là vấn đề về chi phí".

Ông cho rằng: "Tỷ lệ sinh thấp là vấn đề được tạo ra bởi sự tích lũy kinh nghiệm và cấu trúc xã hội đa tầng, vì vậy chúng ta cần hiểu nhận thức, trải nghiệm và kỳ vọng trong tương lai của người trẻ từ nhiều góc độ. Chúng ta cần hiểu rộng rãi cấu trúc của cuộc khủng hoảng tỷ lệ sinh thấp, đồng thời xây dựng và tích cực giải thích dữ liệu mới".

Rie Moriizumi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia Nhật Bản, người cũng có bài thuyết trình tại diễn đàn cùng ngày, cũng đưa ra thông tin về tình trạng tương tự tại Nhật Bản.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tổng tỷ suất sinh của Nhật Bản năm ngoái là 1,20, mức thấp nhất kể từ khi số liệu thống kê liên quan được tổng hợp vào năm 1947. Đây đã là năm thứ 8 liên tiếp kể từ năm 2016, tổng tỷ suất sinh của Nhật Bản sụt giảm.

Nhà nghiên cứu Moriizumi cho biết: “Tại Nhật Bản, sự ủng hộ cho việc kết hôn, sinh con và nuôi con đã giảm nhanh chóng và những lối sống trước đây được coi là không mong muốn như không kết hôn, không có con, ly hôn và làm mẹ đơn thân, giờ đây đã được chấp nhận. Thế hệ trẻ ở độ tuổi 20 và 30 ngày càng ít có động lực sinh con".

"Trong tương lai, chúng ta cần xây dựng một xã hội có thu nhập kép/cùng nuôi dạy con cái, nơi công việc và gia đình cân bằng phù hợp với nhận thức của thế hệ trẻ. Sẽ mất thời gian nhưng cũng phải có những thay đổi trong chuẩn mực xã hội liên quan đến nhận thức về giới và hôn nhân, sinh con", nghiên cứu cấp cao Moriizumi cho biết thêm.

Dou Yang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Lao động và Dân số thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, người giải thích hiện tượng tỷ lệ sinh thấp ở Trung Quốc, cho biết: "Sự cân bằng giữa công việc và gia đình có ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định (sinh) của phụ nữ ở các nước phát triển, cũng có hiệu quả ở Trung Quốc. Các chính sách như dịch vụ chăm sóc trẻ em cũng có thể có tác động ở Trung Quốc".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기