Kinh tế Chính trị

[30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc] Ngân hàng Shinhan trước cột mốc kỷ niệm 30 năm thâm nhập thị trường Việt Nam…Ngân hàng ngoại 'nội địa hóa' thành công

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:22 14-12-2022
Công ty tài chính Hàn Quốc tiên phong tiến vào thị trường Việt Nam từ năm 1933 Ghi nhận lãi ròng 150,8 tỷ trong 9 tháng đầu năm Sở hữu 46 chi nhánh trên toàn Việt Nam…Chiến lược mở rộng bán lẻ dựa trên kỹ thuật số
"Với cố gắng nội địa hóa tối đa cùng dịch vụ khách hàng được tối ưu hóa, hơn cả danh hiệu ngân hàng nước ngoài số 1 tại Việt Nam, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để có thể thực sự trở thành một ngân hàng địa phương (local bank) uy tín."
 

Mặt trước của trụ sở Ngân hàng Shinhan Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. [Ảnh=Shinhan Bank]


Ngân hàng TNHH Một Thành Viên Shinhan Việt Nam (Ngân hàng Shinhan) đã có đại diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức văn phòng đại diện đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 1993. Theo đó, năm 2023 sẽ đánh dấu 30 năm hoạt động của Ngân hàng Shinhan tại thị trường Việt Nam.

Vai trò của Tổng giám đốc Ngân hàng Shinghan trụ sở Việt Nam Kang Gew-won, người mới nhậm chức vào tháng 3 năm nay có phần nặng nề hơn tuy nhiên những mục tiêu và định hướng cho Ngân hàng Shinhan Việt Nam lại rõ ràng hơn bao giờ hết sau lời nhắn gửi của Tổng giám đốc ngân hàng Shinhan Hàn Quốc Jin Ok-dong đến Tổng giám đốc Kang vào đầu năm nhấn mạnh "tập trung phát triển nền tảng tài chính toàn diện".

Nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Việt Nam (1992 - 2022), chúng ta hãy cùng nhìn lại những bước đi tiên phong và chiến lược khác biệt giúp bảo đảm ngôi vị số 1 của ngân hàng nước ngoài trên cả danh nghĩa lẫn thực tế về hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Shinhan, ngân hàng đầu tiên trong số các tổ chức tài chính Hàn Quốc đặt chân vào Việt Nam (quốc gia được coi là đối tác trọng tâm trong chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc).

◆ Không bị ảnh hưởng bởi Covid-19…Liên tục ghi nhận lợi nhuận ròng cao kỷ lục

Với việc thành lập văn phòng tại Hồ Chí Minh vào năm 1993, tính đến nay (11/2022) Shinhan Việt Nam có tổng cộng 46 chi nhánh (cơ sở). Với con số ấn tượng này, Shinhan Việt Nam đang vận hành số lượng cơ sở nhiều nhất, đánh bại các ngân hàng thương mại Hàn Quốc khác đã thâm nhập thị trường Việt Nam cũng như các ngân hàng lớn của Mỹ và Châu Âu.

Tầm nhìn xa của Tập đoàn tài chính Shinhan (Shinhan Finance Group) cũng là một điểm nổi bật giúp ngân hàng Shinhan có thể đi trước các ngân hàng cạnh tranh khác trong nhiều năm. Chỉ 1 năm sau khi Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (12/1992), vào năm 1993, cùng với việc thành lập văn phòng tại địa phương, Shinhan Việt Nam còn thành lập ngân hàng liên doanh Hàn - Việt đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi 'First Vina'.

Bất chấp những tiêu chuẩn tuyển chọn khắt khe của cơ quan tài chính địa phương, lợi thế sân nhà của các ngân hàng Việt Nam và sự cạnh tranh liên tiếp của những ngân hàng Hàn Quốc đến sau, Shinhan Việt Nam vẫn luôn được nhắc đến với 2 cụm từ 'đầu tiên' và 'tốt nhất'. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội từ cuối năm 2019 trở thành một tác nhân đe dọa toàn ngành tài chính thì Shinhan Việt Nam lại nổi bật lên nhờ ghi nhận thành tích lãi ròng vượt trội.

Trong khi nhiều ngân hàng Việt Nam tăng trưởng âm, thì Shinhan Việt Nam lại dẫn đầu về mức tăng lợi nhuận ròng hàng năm cũng như tổng tài sản, cho vay và tiền gửi. Xem xét lợi nhuận ròng, một hạng mục phản ánh thành tích đặc trưng trong lĩnh vực ngân hàng, Shinhan Việt Nam đã lần lượt thu về △98,3 tỷ won vào năm 2018 △131,9 tỷ won vào năm 2019 △142,5 tỷ won vào năm 2020 △150,8 tỷ won vào năm 2021.

Tính đến quý III/2022, Shinhan Việt Nam đã đạt lợi nhuận ròng 151 tỷ won, vượt qua tổng lợi nhuận ròng của cả năm ngoái. Điều này có nghĩa là kỷ nguyên lãi ròng 200 tỷ won chưa từng có của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sắp được Shinhan Việt Nam hiện thực hóa.

Giải thích về lý do tại sao Việt Nam được chọn làm cứ điểm chính cho chiến lược kinh doanh toàn cầu từ rất sớm trong bối cảnh quốc tế 30 năm trước, khi khả năng phát triển của Việt Nam được coi là khá mong manh, Tổng giám đốc Kang Gew-won cho biết "Với việc 2 nước Hàn - Việt chính thức thiết lập ngoại giao năm 1992, (tập đoàn) đã chú ý đến sự phát triển ổn định của các công ty Hàn Quốc vào Việt Nam và phân tích kỹ lưỡng chính sách cam kết của chính phủ Việt Nam liên quan đến các công ty nước ngoài cùng với việc xem xét đến thị trường lao động dồi dào. Theo đó, Shinhan Việt Nam đã thành công khi mang đến dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu cho các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam trong thời gian này. Cho tới nay, các công ty Hàn Quốc này vẫn được định vị là khách hành cốt lõi của ngân hàng, đồng thời Shinhan Việt Nam và các công ty này cũng vẫn đang cùng nhau phát triển."

Ngân hàng Shinhan cũng chỉ ra khả năng phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam là một điểm hấp dẫn. Việt Nam có vị trí địa lý nằm ở rìa Bán đảo Đông Dương thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu; có cơ cấu nhân khẩu học trẻ và năng động với độ tuổi trung bình là 32,5 tương phản với Hàn Quốc và Nhật Bản đang già đi nhanh chóng do già hóa dân số; thị trường dựa trên nền tảng sản xuất đầy hứa hẹn.

Ngân hàng Shinhan đã bắt đầu thực hiện kế hoạch hành động cụ thể và thành công trong việc chuyển đổi thành pháp nhân địa phương sau 15 năm tiến vào Việt Nam. Đến năm 2011, cùng với việc hợp nhất với Ngân hàng Shinhan Vina, Ngân hàng Shinhan chính thức trở thành ngân hàng nước ngoài có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó. Năm 2017, Shinhan Việt Nam đã thu hút sự chú ý khi mua lại bộ phận bán lẻ (tài chính bán lẻ) của Ngân hàng ANZ Australia.

Mạng lưới toàn cầu của Ngân hàng Shinhan bao gồm 168 chi nhánh tại 20 quốc gia trong đó Việt Nam được ghi nhận là quốc gia thứ bảy mà Tập đoàn tài chính Shinhan quyết định gia nhập thị trường sau Hồng Kông, Nhật Bản, New York, Singapore, Mỹ và London.
 

Ông Jin Ok-dong (hàng trước, thứ tư từ trái sang) Chủ tịch Ngân hàng Shinhan chụp ảnh kỷ niệm tại Lễ công bố Chi nhánh Tổ hợp Ngân hàng Shinhan Việt Nam (BIB). [Ảnh=Shinhan Việt Nam]


◆ Công thức tạo nên sự khác biệt = (Bán lẻ + Tài chính doanh nghiệp) x Đổi mới kỹ thuật số

Chiến lược duy trì sức mạnh tuyệt đối của Shinhan Việt Nam có thể được tóm gọn trong cụm từ "nội địa hóa" trong đó Shinhan Việt Nam đã tập trung vào 2 hướng tiếp cận bao gồm đảm bảo nền tảng khách hàng ổn định và đa dạng hóa mô hình kinh doanh. Chuyển đổi số (Digital Transformation·DT) trên nền tảng di động cũng trở thành một yếu tố cộng hưởng trong công thức đặc biệt của Shinhan Việt Nam.

Trước hết, sự ổn định về doanh số khách hàng tại Shinhan Việt Nam dễ dàng được nhìn thấy khi xét đến tỷ lệ tài sản cho vay. Tính đến cuối quý III/2022, khối bán lẻ chiếm 62% và khối doanh nghiệp chiếm 38%, tạo thành một cấu trúc lý tưởng 6:4 một cách hiệu quả. Người ta cũng nhận thấy rằng tất cả các khoản vay bán lẻ đều là tài sản của nhóm khách hàng địa phương. Ở các khoản vay của công ty, tỷ lệ giữa tài sản của công ty địa phương và công ty Hàn Quốc cũng tương đương nhau, khoảng 50:50.

Một chiến lược khác góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của Shinhan Việt Nam là đa dạng hóa mô hình kinh doanh. Bắt đầu với các khoản vay thế chấp nhà ở, Shinhan Việt Nam đã cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ bán lẻ khác nhau như cho vay mua xe ô tô, cho vay tín dụng, tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính chuỗi cung ứng (Supply Chain Financing), các sản phẩm phái sinh ngoại hối.

Thêm một điểm cộng nữa là hoạt động kinh doanh 4G toàn cầu của Ngân hàng Shinhan đã được triển khai thuận lợi tại thị trường Việt Nam. 4G ở đây đề cập đến △ Xây dựng trung tâm giao dịch toàn cầu nhằm mở rộng lợi nhuận của các sản phẩm phái sinh và tỷ giá hối đoái (GTC) △ Xúc tiến khai thác dịch vụ, sản phẩm tài chính của mạng lưới cung cấp và kinh doanh cho các tổ chức tài chính toàn cầu (GTB) △ Mở rộng kinh doanh ngân hàng đầu tư (IB) và tăng cường khả năng cạnh tranh sắp xếp (GIB) △ Kinh doanh ủy thác ở nước ngoài (GCD).

Ngoài ra, chiến lược chuyển đổi số của Shinhan Việt Nam cũng được đánh giá là một ví dụ thành công của nền tảng di động 'Shinhan SOL' phiên bản Việt đã làm say lòng khách hàng trong nước. Shinhan Việt Nam có kế hoạch triển khai SOL thế hệ thứ 3 vào cuối năm nay và đang tập trung toàn lực vào việc tăng cường năng lực kỹ thuật số thân thiện với khách hàng như cho vay tiêu dùng kỹ thuật số và hệ thống tích hợp thẻ tín dụng.

Shinhan Việt Nam cũng có một nỗ lực táo bạo trong việc chuyển đổi số bên ngoài. Các chiến lược kinh doanh dựa trên sự hợp tác với nền tảng kỹ thuật số địa phương vẫn đang được đều đặn được triển khai, bao gồm hợp tác với công ty thương mại điện tử 'Tiki', công ty dịch vụ mạng xã hội lớn nhất Việt Nam 'Zalo', công ty ví điện tử 'MoMo' và công ty giải pháp thanh toán 'VN Pay'.

Tổng giám đốc Kang cho hay "Công ty phát hành thẻ Shinhan (Shinhan Card), một công ty con trực thuộc tập đoàn, đã củng cố quan hệ đối tác với Tiki bằng khoản đầu tư khoảng 10% vào tháng 5 vừa qua. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để khám phá thêm các cơ hội kinh doanh thông qua sự hợp tác liên tục với các công ty nền tảng kỹ thuật số đầy hứa hẹn."
 

Mặt trước của trụ sở Ngân hàng Shinhan Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. [Ảnh=Shinhan Việt Nam]


◆ Thành công trong việc "Biến khủng hoảng thành cơ hội" giúp đa dạng hóa nguồn thu

Tuy gặt hái được nhiều thành tích tuy nhiên Shinhan Việt Nam cũng vẫn gặp phải một số trở ngại. Các quy định phức tạp của chính quyền địa phương vốn là điều phổ biến đối với tất cả các ngân hàng nước ngoài nói chung, là một khó khăn không nhỏ với Shinhan Việt Nam khi tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mới. Việt Nam cũng áp dụng quy định với tốc độ tăng trưởng cho vay nhằm hạn chế mở rộng tài sản cho vay của từng tổ chức tài chính, năm nay (2022) Shinhan Việt Nam được áp dụng quy định tăng trưởng tín dụng là 14,6% so với năm ngoái.

Trên thực tế, khả năng cho vay của Shinhan Việt Nam vẫn còn cao hơn mức quy định, tuy nhiên với quy định của địa phương, các ngân hàng không thể tự phá vỡ giới hạn. Tổng giám đốc Shinhan Hàn Quốc Jin Ok-dong và Tổng giám đốc Shinhan Việt Nam Kang Gew-won đang đối phó với vấn đề này bằng các chiến lược như đa dạng hóa các nguồn thu nhập ngoài lãi từ cho vay và mở rộng tỷ trọng các mảng kinh doanh có lãi cao. Kịch bản của Shinhan Việt Nam đó là cải thiện khả năng sinh lời ở các lĩnh vực chủ đạo vốn đang thúc đẩy lợi nhuận ròng.

Điều quan trọng là đẩy nhanh hoạt động kinh doanh bán lẻ dựa trên kỹ thuật số và di động. Ngân hàng Shinhan tự đánh giá rằng đây là một chiến thuật xem xét đến môi trường thị trường đang thay đổi nhanh chóng bao gồm tỷ lệ dân số trẻ của Việt Nam và mức độ phổ cập của điện thoại di động. Trên thực tế, tỷ lệ dân số đang đi làm ở Việt Nam trong độ tuổi từ 20 đến 40 (chiếm hơn một nửa tổng dân số của Việt Nam) phản ánh đặc điểm của thị trường lao động, và sự phổ biến nhanh chóng của điện thoại di động là điều kiện hoàn hảo để thúc đẩy chuyển đổi số.

Tổng giám đốc Kang cũng đang tập trung vào việc tìm kiếm nhân sự kinh doanh tại địa phương. Tổng giám đốc Kang cho biết "Chúng tôi đang tìm kiếm nhân tài để thực hiện nhiệm vụ doanh nghiệp của tập đoàn hướng tới mô hình 'tài chính ấm áp hướng tới tương lai'" tại địa phương song hành với tôn chỉ 'lấy khách hàng làm trung tâm'."

"Trước đây, chúng tôi thường mở các cơ sở giao dịch chủ yếu tại các khu công nghiệp nơi có nhiều công ty Hàn Quốc đặt trụ sở, nhà máy. Tuy nhiên trong tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng chi nhánh đến các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm tăng cường khả năng nội địa hóa. Chúng tôi sẽ tối đa hóa sức mạnh tổng hợp cùng với các mạng lưới tập đoàn như Shinhan Card, Shinhan Investment & Securities, Shinhan Life và Shinhan DS, đồng thời cung cấp giải pháp tối ưu cho các nhu cầu ngày càng đa dạng và phức tạp hơn của khách hàng", tổng giám đốc Kang nhấn mạnh.


※ Bài viết gốc được viết bằng tiếng Hàn bởi phóng viên Shin Byung Guen (sbg@ajunews.com), ban Tài chính Kinh tế báo Economic Daily thuộc AJU News.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기