Kinh tế Chính trị

Ý kiến trái chiều về chính sách cho phép người giúp việc ngoại quốc làm việc tại Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:38 01-08-2023
Ngày 31, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã tổ chức một buổi trưng cầu dân ý tại khách sạn Royal Hotel Seoul về dự án thí điểm giới thiệu lao động giúp việc nước ngoài, trong đó sớm nhất là trong năm nay sẽ triển khai thử nghiệm, tuyển dụng 100 lao động nước ngoài vào làm các công việc như giúp việc nhà và chăm sóc trẻ tại nhà cho một số gia đình ở khu vực Seoul.

 
Cuộc trung cầu dân ý công khai về dự án thí điểm cho lao động giúp việc ngoại quốc được tổ chức tại khách sạn Royal Hotel Seoul vào sáng ngày 3172023 ẢnhYonhap News
Cuộc trung cầu dân ý công khai về dự án thí điểm cho lao động giúp việc ngoại quốc được tổ chức tại khách sạn Royal Hotel Seoul vào sáng ngày 31/7/2023. [Ảnh=Yonhap News]
Khu vực mục tiêu của dự án thí điểm là toàn bộ thành phố Seoul và thời gian làm việc cho người giúp việc nước ngoài ít nhất là sáu tháng. Đối tượng có thể sử dụng dịch vụ này bao gồm các cặp vợ chồng cùng đi làm ở độ tuổi 20~40 đang nuôi con nhỏ, cha hoặc mẹ đơn thân và phụ nữ đang mang thai.

Trong đó, cơ quan cung cấp dịch vụ giúp việc được chính phủ công nhận sẽ tuyển dụng người lao động nước ngoài (theo visa E-9), sau đó người lao động này sẽ làm việc (giúp việc nhà và chăm sóc trẻ) cho các gia đình đã ký hợp đồng với cơ quan cung cấp dịch vụ giúp việc nói trên.

Người giúp việc ngoại quốc, cũng giống như người giúp việc là người Hàn Quốc, sẽ được nhận lương cao hơn so với mức lương tối thiểu.

Về quá trình tuyển dụng, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch kiểm tra kỹ lưỡng về kinh nghiệm và kiến thức liên quan của người lao động nước ngoài bao gồm tuổi tác, khả năng tiếng Hàn và tiếng Anh, tiền sử tội phạm. Không tuyển chọn người bị tâm thần, nghiện ma túy hoặc có tiền sử phạm tội.

Trước và sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, những người được tuyển chọn sẽ được giáo dục nâng cao về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, luật lao động, v.v. Sau khi được giao cho một cơ sở cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình, trước khi được đưa vào làm việc trong một gia đình thực tế, những người lao động nước ngoài này sẽ được giáo dục liên quan đến công việc nội trợ, nuôi dạy trẻ em, các vấn đề về vệ sinh và an toàn bao gồm cả phòng chống lạm dụng trẻ em.

Các dịch vụ mà chính sách này cung cấp bao gồm dọn dẹp, giặt giũ, làm bếp, bảo vệ và nuôi dạy trẻ em của gia đình khách hàng theo Đạo luật Người giúp việc Gia đình. Khách hàng (là các bậc phụ huynh) có thể lựa chọn nhiều thời điểm sử dụng khác nhau như một buổi trong ngày hoặc cả ngày.

Chỗ ở của người giúp việc ngoại quốc sẽ được sắp xếp bởi cơ quan cung cấp dịch vụ. Chi phí ăn ở sẽ do người lao động tự chi trả. Trong giai đoạn đầu, chính quyền thành phố Seoul có kế hoạch hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại, phiên dịch cho lao động giúp việc nước ngoài định cư tại Hàn Quốc.

Tại buổi trưng cầu dân ý cùng ngày, Lee Sang-im, Giám đốc bộ phận người lao động nước ngoài của Bộ Lao động, cho biết: "Trong bối cảnh số lượng lao động trong nước ngày càng giảm và tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nghiêm trọng, để đối phó với tỷ lệ sinh thấp và giảm bớt khoảng thời gian gián đoạn công việc cho phụ nữ, nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài đang cho thấy xu hướng ngày càng tăng".

Các công ty liên quan đến dịch vụ cung cấp người giúp việc cũng nêu lên quan điểm ủng hộ việc giới thiệu người giúp việc nước ngoài do nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ trông trẻ và dọn phòng.

Lee Bong-jae, phó giám đốc của Home Story Life, một công ty nền tảng kết hợp dịch vụ dọn phòng, chỉ ra rằng: "Trong bối cảnh các hộ gia đình có vợ chồng cùng đi làm kiếm tiền và hộ gia đình một người đang gia tăng, nhu cầu về dịch vụ dọn phòng cũng ngày một cao. Tuy nhiên số lượng người lao động làm trong lĩnh vực này đang giảm dần, độ tuổi trung bình của người lao động cũng cao dần hơn".

"Theo kết quả của một cuộc khảo sát kéo dài hai ngày vào bốn tuần trước để xem liệu có nhu cầu về quản gia người nước ngoài hay không, hơn 150 người đã bày tỏ ý định sử dụng dịch vụ này", phó giám đốc Lee cho hay.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có không ít ý kiến bày tỏ quan ngại về chính sách này, phần lớn đến từ các bậc phụ hyunh.

Đa số các ý kiến cho biết họ lo lắng về việc liệu người giúp việc người nước ngoài có đáng tin cậy hay không, liệu chất lượng dịch vụ giúp việc gia đình và nuôi dạy trẻ có bị giảm sút hay không cũng như nếu đưa chính sách này vào áp dụng thì việc làm của phụ nữ trung niên Hàn Quốc có bị người lao động nước ngoài lấy mất hay không.

Kim Go-eun, một bà mẹ đang đi làm nuôi cặp song sinh ba tuổi, cho biết: "Không phải cứ rẻ thì tôi sẽ sử dụng (quản gia/người giúp việc chăm sóc trẻ). Vấn đề là người giúp việc ấy có đáng tin tưởng hay không. Văn hóa không phải là một khái niệm có thể tiếp thu chỉ sau một hai lần học tập".

Cô Kim nói thêm: "Ngay cả khi có nhiều người cần (dịch vụ này), tôi lo lắng rằng nếu tuyển dụng người giúp việc ngoại quốc thì công việc của những phụ nữ trung niên Hàn Quốc sẽ bị lấy đi mất. Nếu chính phủ đầu tư vào tiền hỗ trợ, thì chúng tôi có thể yên tâm hơn, và dùng số tiền đó đưa cho bố mẹ hoặc người thân và nhờ họ chăm sóc con giúp. Điều tốt nhất là thúc đẩy chế độ làm việc thời gian ngắn để những người mẹ như tôi có thể tự mình chăm sóc con".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기