Đời sống Xã hội

Nỗi sợ bị rình rập bám đuôi ở Hàn Quốc…Ghi nhận hơn 7.500 nghi phạm chỉ trong 8 tháng đầu năm

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:39 12-09-2023
Hàn Quốc vốn được coi là một quốc gia an toàn, trị an tốt khi trên đường rất hiếm khi có cướp giật, thậm chí nếu du khách có để điện thoại di động trên bàn ở quán cà phê rồi đi ra ngoài thì đến khi quay trở lại điện thoại cũng vẫn còn nguyên ở vị trí cũ. Tuy nhiên cảm giác an tâm này có vẻ vẫn chưa thể hình thành đối với loại tội phạm rình rập theo dõi. Đã 1 năm kể từ "sự cố ở ga Sindang", nơi một nhân viên nữ làm việc tại ga tàu đã bị kẻ theo dõi mình sát hại, tuy nhiên nỗi sợ về những sự cố tương tự vẫn ám ảnh nhiều người dân Hàn Quốc.

 
Lối ra số 10 của ga Sindang được phủ kín những mảnh giấy ghi lời chia buồn đối với nạn nhân quá cố Ảnh chụp ngày 2392022 ẢnhYonhap News
Lối ra số 10 của ga Sindang được phủ kín những mảnh giấy ghi lời chia buồn đối với nạn nhân quá cố. Ảnh chụp ngày 23/9/2022. [Ảnh=Yonhap News]
Theo thống kê, cảnh sát Hàn Quốc đã lập hồ sơ hơn 7.000 nghi phạm theo dõi và quấy rối trong năm nay, tuy nhiên, ngay cả khi lệnh cấm được ban hành đối với kẻ theo dõi thì hiệu quả cũng không rõ ràng. Có cáo buộc cho rằng các biện pháp xử phạt liên quan còn thiếu sót và mức phạt quá thấp.

Dữ liệu từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia cho thấy trong 8 tháng đầu năm (tháng 1~8/2023) ghi nhận tổng cộng 7.545 nghi phạm rình rập đã bị cảnh sát bắt giữ. Trong số đó, 4.942 nghi phạm (65,5%) đã bị chuyển giao cho cơ quan công tố, 34,5% nghi phạm còn lại đã bị rút hồ sơ chuyển giao hoặc cuộc điều tra bị dừng lại.

Kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu thực thi 'Đạo luật trừng phạt về tình trạng tội phạm rình rập' từ ngày 21/10/2021 đã có khoảng 18.362 người đã bị bắt giữ, trong đó 65,1% (11.950) nghi phạm đã được chuyển giao cho công tố viên.

Vấn đề là do tính chất của tội phạm rình rập, thủ phạm và nạn nhân cần phải được nhanh chóng tách ra để ngăn chặn các hành vi phạm tội tiếp theo. Tuy nhiên việc bảo vệ nạn nhân bằng 'biện pháp ứng phó khẩn cấp' và 'biện pháp quy định tạm thời' trên thực tế lại không được tuân thủ đầy đủ.

Cụ thể, 'biện pháp ứng phó khẩn cấp' có nghĩa là cảnh sát có thể sử dụng quyền hạn của mình để ban hành lệnh cấm đối với kẻ theo dõi, cấm người này đến gần nơi ở của nạn nhân trong phạm vi 100 mét, đồng thời không được phép sử dụng các thiết bị viễn thông để liên lạc với nạn nhân. Mặt khác, 'biện pháp quy định tạm thời' là biện pháp mạnh hơn được thực hiện nếu tòa án chấp nhận đơn yêu cầu của cảnh sát và có thể bao gồm việc giam giữ tại trại tạm giam hoặc trại tạm giam (biện pháp số 4) bên cạnh các biện pháp từ số 1 đến 3 (cảnh cáo bằng văn bản, cấm tiếp cận trong phạm vi 100 mét, cấm tiếp cận tiếp cận viễn thông).

Tuy nhiên, ngay cả khi các biện pháp liên quan được thực hiện, việc rình rập, quấy rối nạn nhân vẫn không ngừng diễn ra và khó kiểm soát.

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, trong hai năm kể từ khi 'Đạo luật trừng phạt về tình trạng tội phạm rình rập' được thực thi, tính đến tháng 7/2023 tỷ lệ vi phạm là 11,0% (662 trường hợp vi phạm trong tổng số 6.030 trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp); tỷ lệ vi phạm đối với các trường hợp áp dụng biện pháp quy định tạm thời cũng là 8% (955 trường hợp vi phạm trong tổng 12.008 trường hợp)

Chỉ tính riêng từ tháng 1~7/2023, số vụ vi phạm biện pháp khẩn cấp và biện pháp tạm thời lần lượt là 189 và 364.

Có không ít ý kiến chỉ ra rằng các hình phạt quá nhẹ, vì nhiều tội danh vi phạm Đạo luật trừng phạt rình rập chỉ dẫn đến phạt tiền hoặc quản chế.

Phân tích kết quả xét xử tội phạm rình rập, quấy rối trong 2 năm qua cho thấy chỉ có 11,2% (71 trường hợp) bị xử phạt hình sự (kết án tù), 32,5% bị phạt tiền và xử phạt hành chính (không giam giữ), và 32,1% bị án treo. Trong đó, số tiền phạt dưới 3 triệu won chiếm 71,5% tổng số và số tiền phạt dưới 5 triệu won chiếm 91,8%.

Jung Hyun-mi, giáo sư tại Trường Luật Đại học Nữ Ewha, cho biết "Hầu hết mọi người thường tin rằng hành vi rình rập và quấy rối sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, nhưng số liệu thống kê cho thấy trên thực tế, chỉ có 11% tổng số người thực sự bị kết án tù. Không những vậy hình phạt tù cũng thường là ngắn hạn, chưa đầy 8 tháng, có thể dễ dàng nhận thấy mức hình phạt vẫn chưa đủ sức răn đe".

Rình rập, quấy rối tưởng chừng như không có gì quá to tát tuy nhiên có thể dẫn đến nhiều viễn cảnh khó lường như giết người, vì vậy phản ứng thích hợp từ các cơ quan điều tra ở giai đoạn đầu là vô cùng quan trọng. Liên quan đến hành vi theo dõi rình rập, một số người cho rằng thời gian báo cáo lần đầu tiên của nạn nhân là "thời điểm vàng" để ngăn chặn tội phạm bạo lực xảy ra. 

Mới đây, trong nghiên cứu "So sánh đặc điểm hành vi phạm tội dựa theo việc tội phạm có hay không hành vi rình rập trong các vụ án giết người yêu" được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Pháp y số mới nhất do Đại học Cảnh sát Quốc gia xuất bản.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích 67 phán quyết sơ thẩm về các vụ án giết người xảy ra trong các mối quan hệ từng thân thiết, chẳng hạn như người yêu hoặc vợ/chồng, từ năm 2019 đến năm 2022, và kết quả là có 31 trường hợp phạm tội có hành vi rình rập trước khi thủ phạm ra tay và 36 trường hợp không có hành vi rình rập.

Đáng lưu ý, trong các vụ án giết người có hành vi theo dõi, rình rập tỷ lệ trình báo công an về các hành vi riêng biệt như đột nhập nhà, hành hung, giam giữ, tấn công tình dục trước khi nạn nhân bị sát hại là 66,7%, cao gấp 4 lần so với trường hợp giết người mà không có hành vi rình rập (16,7%).

Nhóm nghiên cứu cho biết, hành vi rình rập có khả năng leo thang thành tội hình sự nghiêm trọng như tấn công tình dục bạo lực, giam giữ hoặc thậm chí giết người. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong các quy định xử phạt liên quan, mức xử phạt quá nhẹ, quá chậm. 

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh "Việc chủ động phản hồi trình báo của nạn nhân có thể ngăn chặn khả năng nó phát triển thành một vụ bạo lực. Thời điểm báo cáo đầu tiên là thời điểm tối ưu để ngăn chặn tội phạm".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기