Giải trí

K-drama ngày càng phổ biến…Nhiều quốc gia "tranh nhau" làm mới lại các bộ phim truyền hình nổi tiếng

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)13:57 15-07-2024
Gần đây, những bộ phim truyền hình Hàn Quốc đang được nhiều công ty sản xuất nước ngoài làm lại không phân biệt thể loại và tỷ suất người xem.
 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
Trước đây, các quốc gia châu Á chủ yếu làm lại những bộ phim hài lãng mạn thành công tại phòng vé Hàn Quốc tuy nhiên giờ đây thể loại phim đã được mở rộng, bao gồm cả phim truyền hình điều tra hay phim kinh dị. Cơn sốt làm lại (remake) phim truyền hình Hàn Quốc thậm chí đang ngày càng phổ biến hơn khi cả các quốc gia châu Âu cũng có nhiều dự án làm lại.

Đầu tiên, đài truyền hình tư nhân TV Asahi của Nhật Bản có kế hoạch phát sóng phiên bản làm lại của Nhật Bản với bộ phim 'SKY Castle' (tên tiếng Việt: Lâu đài tham vọng) vào tháng 7 này. Bộ phim đã được diễn giải lại để phù hợp với thực tế của kỳ thi tuyển sinh tại Nhật Bản.

'SKY Castle' là bộ phim châm biếm hiện thực của các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp thượng lưu đang cạnh tranh gay gắt để cho con mình vào được những trường đại học tốt nhất. Khi được phát sóng tại Hàn Quốc (từ tháng 11/2018 đến tháng 2/2019), bộ phim đã đạt được sự yêu thích rất lớn, ghi nhận tỷ suất người xem cao nhất là 23,8%.

Trong khi câu chuyện gốc tập trung vào kỳ thi tuyển sinh đại học thì phiên bản tiếng Nhật lại tập trung vào quá trình thi trung học, căng thẳng hơn kỳ thi tuyển sinh đại học ở Nhật Bản.

Dàn diễn viên xuất hiện trong phiên bản làm lại của Nhật Bản cũng có nhiều cái tên nổi tiếng chẳng hạn như diễn viên Nao Matsushita đảm nhận vai Han Seo-jin (phiên bản gốc của Hàn Quốc do diễn viên Yeom Jeong-ah thủ vai).

Bộ phim truyền hình 'The Kidnapping Day' (tên tiếng Việt: Lương tâm kẻ bắt cóc) của ENA, kết thúc vào tháng 10 năm ngoái, sẽ được làm lại ở Anh.

Studio Hamburg UK (SHUK), một công ty con ở Anh của Studio Hamburg Production Group (SHPG), một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất châu Âu, đang hợp tác với công ty sản xuất Ace Story của Hàn Quốc để làm lại bộ phim này.

Tác phẩm này là một bộ phim hài kinh dị kể về sự hợp tác đặc biệt giữa một tên bắt cóc vụng về và cô bé thiên tài 11 tuổi. Tỷ suất người xem trung bình khi phát sóng tại Hàn Quốc của 'The Kidnapping Day' là 3,5%. Tập đầu tiên bắt đầu với rating 1,8%, vượt 4% ở tập thứ 7 và kết thúc với rating cao nhất là 5,2% ở tập cuối.

Mặc dù tỷ suất người xem không quá ấn tượng tuy nhiên một số người nói rằng việc bản làm lại ở nước ngoài được xác nhận chưa đầy một năm sau khi bộ phim kết thúc cho thấy vị thế ngày càng cao của nội dung Hàn Quốc.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Jeong Deok-hyeon cho biết, "'The Kidnapping Day' được người xem đón nhận nồng nhiệt như một tác phẩm hay, bất kể tỷ suất người xem như thế nào. Có thể thấy rằng các công ty sản xuất ở nước ngoài đang chú ý đến nhiều tác phẩm Hàn Quốc đa dạng khác nhau".

Tin tức phim Hàn được làm lại không phải là mới. Tuy nhiên, chủ yếu là các nước châu Á làm lại những bộ phim hài lãng mạn nổi tiếng ở Hàn Quốc. Còn gần đây, những tác phẩm thuộc thể loại đa dạng hơn đang thu hút sự chú ý của các công ty sản xuất nước ngoài.

Chẳng hạn như, Thái Lan sẽ làm lại bộ phim 'Reborn Rich' (tên tiếng Việt: Cậu út nhà tài phiệt), một câu chuyện hồi tưởng trong đó nhân vật chính sống cuộc đời thứ hai; còn bộ phim lãng mạn 'Misty' (tên tiếng Việt: Sự thật mơ hồ) sẽ có phiên bản Trung Đông; bộ phim 'Signal' (tên tiếng Việt: Điều tra) thể loại điều tra đã hoàn tất quá trình làm lại và dự kiến được phát sóng trong năm nay; bộ phim về zombie 'Happiness' (tên tiếng Việt: Nắm giữ sinh mệnh) cũng sẽ được Thái Lan làm lại.

Một quan chức phụ trách phân phối nội dung toàn cầu tại một công ty sản xuất Hàn Quốc phân tích: "Việc không chỉ nội dung lãng mạn mà cả nội dung sở hữu trí tuệ (IP) thuộc nhiều thể loại khác nhau được xuất khẩu là bằng chứng cho thấy sự xuất sắc của nội dung Hàn Quốc đang được công nhận".

Ngoài hợp đồng bản quyền, các hoạt động hợp tác như đồng sản xuất phim làm lại của các nhà sản xuất Hàn Quốc với các công ty sản xuất nước ngoài cũng đang diễn ra tích cực.

Công ty sản xuất SLL đã ký một thỏa thuận kinh doanh (MOU) với TV Asahi và có kế hoạch cùng nhau trình chiếu 'SKY Castle', còn công ty sản xuất Ace Story đang đồng sản xuất 'The Kidnapping Day' với Studio Hamburg SHUK.

Một quan chức của Ace Story đã chỉ ra: "Việc hợp tác sản xuất phim truyền hình có ý nghĩa rất lớn trong ngành phim truyền hình Hàn Quốc vì nó vượt ra ngoài việc bán bản quyền làm lại và cho phép chia sẻ tất cả lợi nhuận từ việc phân phối và các hoạt động kinh doanh bổ sung".

Tỷ suất người xem của các bản làm lại cũng rất đáng chú ý.

Bộ phim truyền hình tvN 'What's Wrong with Secretary Kim' (tên tiếng Việt: Thư ký Kim sao thế) được làm lại ở Philippines đã đứng đầu bảng xếp hạng hàng tuần trong ba tuần liên tiếp ngay sau khi phát hành trên Viu, nền tảng dịch vụ video trực tuyến (OTT) lớn nhất Đông Nam Á.

'Doctor Cha' (tên tiếng Việt: Bác sĩ Cha) của JTBC, được làm lại bởi Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đứng đầu trong khung giờ chiếu trong 5 tuần liên tiếp dựa trên xếp hạng lượng người xem truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà phê bình Jeong Deok-Hyeon cho biết, "Sự quan tâm của khán giả nước ngoài đối với phim truyền hình Hàn Quốc, vốn thể hiện tiềm năng thông qua thể loại tình cảm lãng mạn, đang ngày càng đa dạng hơn về thể loại. Trong thời đại mà nội dung có thể được phân phối trên toàn cầu thông qua nền tảng OTT, việc làm lại nội dung Hàn Quốc dự kiến sẽ trở nên tích cực hơn bao giờ hết".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기