Đời sống Xã hội

Người dân Hàn Quốc thể hiện sự ủng hộ đối với người biểu tình Myanmar

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:07 26-03-2021
Hàng nghìn người Hàn Quốc, từ già đến trẻ, đã tham gia vào một chiến dịch tiếp sức trực tuyến để bày tỏ sự cảm thông và ủng hộ đối với 'Cuộc cách mạng mùa xuân' của Myanmar, bắt đầu vào đầu tháng Hai chống lại cuộc đảo chính của Chỉ huy Quân đội tối cao Min Aung Hlaing.
 

Cử chỉ "chào ba ngón tay" được sử dụng để thể hiện sự ủng hộ. [Ảnh=Internet]


Những người biểu tình trực tuyến đã sử dụng nhiều hashtag (từ khóa) khác nhau thể hiện ý nghĩa 'nền dân chủ cho Myanmar' bằng cả tiếng Hàn và tiếng Anh chẳng hạn như "#미얀마_민주주의" và "#DemocracyForMyanmar" để tải lên các bài đăng. Đồng thời cũng đính kèm các hình ảnh cho thấy cử chỉ "chào ba ngón tay", lấy cảm hứng từ một dấu hiệu tay từ loạt sách và phim "The Hunger Games". Kể từ khi được các nhà hoạt động Thái Lan sử dụng vào năm 2014 sau một cuộc đảo chính, cử chỉ "chào ba ngón tay" đã trở thành biểu tượng của sự phản kháng và đoàn kết ở Đông Nam Á.

Cùng với việc bắt đầu tiến hành các chiến dịch tiếp sức trực tuyến bằng cách gắn thẻ bạn bè của họ vào các bài đăng ủng hộ, người dùng trên các trang mạng tại Hàn Quốc cũng đang kêu gọi sự ủng hộ với các khẩu hiệu như 'Hãy chấm dứt cuộc đảo chính' và 'Chế độ dân chủ cho Myanmar!'. Một số người dùng đã đăng tải hình ảnh và video về các tình huống thực tế do bạn bè và người thân sống ở Myanmar gửi cho.

Wonyong, một người dùng của cộng đồng mạng Clien, bình luận trên một bài đăng cho thấy hình ảnh các binh sĩ trấn áp người biểu tình, rằng: "Tôi không có gì để nói. Tôi cảm thấy rất buồn và nhưng cũng vô cùng tức giận". Một người dùng khác, SlowKnight cho biết, "Tôi thực sự buồn vì tôi đã từng đến Myanmar. Những người sống ở đó là những người tốt bụng và khiêm tốn. Tôi hy vọng hòa bình có thể sớm đến với Myanmar".
 

Nhiều người Hàn Quốc đăng ảnh tự chụp để tham gia chiến dịch tiếp sức trực tuyến thể hiện sự ủng hộ đối với người dân Myanmar. [Ảnh=People's Solidarity for Participatory Democracy]


Chiến dịch tiếp sức trực tuyến đã thu hút sự ủng hộ từ cộng đồng địa phương và các nhóm tôn giáo. Một số người dân ở thành phố phía nam Gwangju, địa điểm của một cuộc nổi dậy dân sự đẫm máu vào tháng 5 năm 1980, đã phát động một chiến dịch từ thiện nhằm quyên góp các nhu yếu phẩm hàng ngày và vật tư y tế cho công dân Myanmar. Sau đó, nhiều nhóm công dân từ Seoul và các thành phố khác cũng có các hành động tương tự.

Nhiều người Hàn Quốc cảm thấy đồng cảm với cuộc nổi dậy ở Myanmar vì nó gợi nhớ đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Gwangju. Một cuộc đàn áp quân sự tàn bạo đã khiến hàng trăm công dân thiệt mạng hoặc mất tích và hàng ngàn người bị thương. Cuộc nổi dậy của Gwangju đã được miêu tả trong các bộ phim và tiểu thuyết bao gồm "A Taxi Driver", một bộ phim nổi tiếng năm 2017 của đạo diễn Jang Hoon.
 

Đại biểu Đảng Dân chủ Park Joo-min. [Ảnh=Chụp màn hình]


Tuy không tổ chức phong trào tập thể, nhưng một số chính trị gia Hàn Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với người biểu tình ở Myanmar. Nhà lập pháp của Đảng Dân chủ Park Joo-min đã đến thăm đại sứ quán Myanmar tại Hàn Quốc và tổ chức một cuộc biểu tình. Ông nói: “Tôi kêu gọi quân đội Miến Điện ngừng ngay lập tức cuộc đàn áp tàn bạo đối với công dân."

Hành động của Hạ nghị sĩ Park Joo-min được đưa ra ba ngày sau khi Tổng thống Moon Jae-in công bố một bài báo bằng tiếng Hàn và tiếng Anh thông qua Twitter vào ngày 6 tháng 3. "Bạo lực đối với người dân Myanmar phải được chấm dứt ngay lập tức. Sẽ không có thêm thương vong. Chúng tôi lên án hành động đàn áp bạo lực của quân đội và cảnh sát Myanmar, đồng thời mạnh mẽ kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho những người bị giam giữ, bao gồm cả cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Tôi chân thành hy vọng rằng dân chủ và hòa bình sẽ được khôi phục trong thời gian sớm nhất." Tổng thống Moon đưa ra tuyên bố thông qua một dòng tweet vào ngày 6/3.

Dòng tweet của Tổng thống Moon Jae-in nhận được hơn 38.800 lượt thích. Hàng nghìn người Myanmar đã hoan nghênh các dòng tweet của Tổng thống Moon. "Cảm ơn ngài đã sát cánh cùng người dân Myanmar, thưa ngài Tổng thống", người dùng Twitter PoPoKyw8 viết. Một người dùng khác, SwSwe34060736 cũng đăng tải lời cảm ơn với nội dung "Cảm ơn ông đã đưa câu chuyện về Myanmar ra với thế giới. Chúng tôi tin thế giới sẽ không bỏ qua tiếng nói của người dân Myanmar. Myanmar cần công lý và chúng tôi cần nền dân chủ."

Mặt khác, các nhóm tôn giáo ở Hàn Quốc thì có những hành động quyết liệt hơn khi đưa ra một tuyên bố chung lên án cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội ở Myanmar. Vào ngày 19 tháng 3, Linh mục Công giáo vì Công lý đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn trước Đại sứ quán Myanmar tại Hàn Quốc và phát động một chương trình từ thiện để giúp đỡ người dân Myanmar tại Hàn Quốc.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기