Kinh tế Chính trị

GDP quý II/2023 của Hàn Quốc tăng 0,6% nhờ xuất khẩu ròng

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:02 25-07-2023
Nền kinh tế Hàn Quốc đã ghi nhận tăng trưởng 0,6% trong quý II/2023 (tháng 4~6) nhờ gia tăng xuất khẩu ròng (xuất-nhập khẩu). Tuy nhiên, tiêu dùng của người dân, vốn là "đầu tàu" của tăng trưởng kinh tế, lại cho thấy sự suy yếu khiến triển vọng kinh tế nửa cuối năm của Hàn Quốc trở nên khó lường.

 
Shin Seung-cheol thứ hai từ trái sang Cục trưởng Cục Thống kê Kinh tế của Ngân hàng Hàn Quốc BoK trình bày báo cáo về tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II2023 của Hàn Quốc vào sáng 2572023 ẢnhYonhap News
Shin Seung-cheol (thứ hai từ trái sang), Cục trưởng Cục Thống kê Kinh tế của Ngân hàng Hàn Quốc (BoK), trình bày báo cáo về tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II/2023 của Hàn Quốc vào sáng 25/7/2023. [Ảnh=Yonhap News]
Ngày 25, Ngân hàng Hàn Quốc (BoK) đã công bố tốc độ tăng trưởng GDP thực tế (giá trị sơ bộ)của quý II/2023 là 0,6%.

Trước đó tốc độ tăng trưởng theo quý của Hàn Quốc đã ghi nhận âm (-) trong quý I (-1,3%) và quý II (-3,0%) năm 2020 do sự bùng phát của Covid-19. Tuy nhiên từ quý III/2020 trở đi GDP của Hàn Quốc đã cải thiện và hiện duy trì xu thế tăng trưởng dương trong 9 tháng. Đến quý IV/2022 GDP của Hàn Quốc lại giảm (-0,3%) do xuất khẩu sụt giảm mạnh, tuy nhiên đã tránh được mức tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp, khi ghi nhận mức tăng 0,3% vào quý I/2023 nhờ tiêu dùng tư nhân.

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng trong quý II theo từng lĩnh vực, tiêu dùng tư nhân tập trung vào các dịch vụ như ăn uống và nhà ở đã giảm 0,1%.

Tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng tư nhân trước đó đã thành công trong việc phục hồi từ mức -0,5% trong quý IV năm ngoái lên 0,6% trong quý I năm nay, nhưng đã không thể duy trì được xu thế tăng trưởng dương trong quý II.

Tiêu dùng của chính phủ cũng giảm 1,9%, do các phúc lợi an sinh xã hội bằng hiện vật như trợ cấp bảo hiểm y tế. Đây là mức giảm lớn nhất trong 22 năm kể từ quý IV/2000 (-0,4%).

Đầu tư xây dựng và đầu tư thiết bị cũng giảm lần lượt 0,3% và 0,2%.

Mặc dù tiêu dùng và đầu tư của cả khu vực tư nhân và chính phủ đều giảm, nhưng GDP tổng thể vẫn tăng 0,6% nhờ xuất khẩu ròng (xuất khẩu - nhập khẩu).

Trong quý II, mặc dù chất bán dẫn và ô tô tăng nhưng các sản phẩm xăng dầu và dịch vụ vận tải đồng loạt giảm khiến xuất khẩu chung giảm 1,8%. Nhập khẩu, chủ yếu là dầu thô và khí đốt tự nhiên, cũng giảm 4,2%.

Từ góc độ đóng góp của các ngành công nghiệp vào GDP, xuất khẩu ròng đã thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 1,3 điểm phần trăm. Ngược lại, tiêu dùng hộ gia đình, chi tiêu chính phủ và đầu tư xây dựng đã làm giảm tăng trưởng GDP lần lượt là 0,1, 0,4 và 0,1 điểm phần trăm.

Xét theo khu vực công nghiệp, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,5%, dẫn đầu là ngành trồng trọt; công nghiệp chế tạo cũng tăng 2,8% nhờ tiêu thụ thuận lợi của mặt hàng máy tính, điện tử và thiết bị quang học. Ngành dịch vụ cũng tăng trưởng 0,2%, dẫn đầu là giao thông vận tải.

Tuy nhiên, ngành điện, gas, nước và xây dựng lại giảm lần lượt 6,0% và 3,4%.

Tổng thu nhập quốc nội thực tế (GDI) quý II vẫn ở mức tương đương quý I, chủ yếu là do môi trường thương mại xấu đi bất chấp tăng trưởng GDP thực tế.

Đối với triển vọng kinh tế trong nửa cuối năm, BoK cho biết "Với mức tăng trưởng 0,6% trong quý II, tốc độ tăng trưởng nửa đầu năm nay (so với cùng kỳ năm ngoái) đạt 0,9%, cao hơn mức dự báo (0,8%) hồi tháng 5. Để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 1,4% như dự kiến, quý III và quý IV mỗi quý phải tăng trưởng khoảng 0,7%, để tốc độ tăng trưởng của 6 tháng cuối năm phải đạt mức 1,7%".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기